Mùa đông, mùa của những cơn ho dai dẳng không dứt. Đặc biệt với người cao tuổi với cơ thể đang dần lão hóa. Thì vấn đề sức đề kháng trước giá rét vẫn luôn là một vấn đề nan giải.
Có phải chúng ta đang quá bị động với các bệnh hô hấp ở người cao tuổi hay không? Bởi nếu chúng ta hiểu rõ từng triệu chứng, từng nguyên nhân gây bệnh, thì việc phòng tránh chúng cũng trở nên hết sức dễ dàng.
Vậy có những bệnh lý nào phổ biến nhất? Cùng Đại Phú An tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Viêm cấp tâm phế mạn – Căn bệnh hô hấp hiếm nhưng không lạ ở người cao tuổi
Là tình trạng suy tim do tăng áp lực động mạch phổi khiến người bệnh luôn phải thở nhanh, ho nhiều, có thể ho ra máu, có đờm vàng và thường xuyên đau thắt ngực.
Nguyên nhân gây ra bệnh:
– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tâm phế mạn.
– Bệnh hen suyễn không được kiểm soát ổn định.
– Lao xơ phổi, xơ phổi, viêm phế quản mạn, viêm phổi kẽ.
– Phẫu thuật hay chấn thương làm mất số lượng lớn nhu mô phổi.
Và một số nguyên nhân hiếm gặp khác.
Làm sao để phòng ngừa bệnh tâm phế mạn?
– Tránh yếu tố nguy cơ gây bệnh lý mạn tính ở phổi: Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh tiếp xúc với khói, bụi, môi trường ô nhiễm thường xuyên. Khi tiếp xúc với môi trường độc hại cần dùng khẩu trang để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng tới phổi.
– Tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: Cúm, phế cầu…
– Khi có các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cần điều trị triệt để, tránh tái phát.
– Khi mắc các bệnh lý mạn tính cần thường xuyên thăm khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
– Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, tập thể dục thường xuyên, luyện thở, có chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
2. Viêm họng cấp/ mãn tính
Viêm họng cấp là bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi thường gặp quanh năm. Đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa thì viêm họng cấp dễ dàng xuất hiện. Tuy nhiên, viêm họng cấp tưởng chừng như đơn giản nhưng lại dễ biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.
Triệu chứng
Bệnh viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, người bệnh thường sốt cao từ 39 – 40 độ C, điển hình là cảm giác nuốt đau, rát họng. Lúc đầu, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy khô nóng trong họng, dần dần hình thành cảm giác đau rát, tăng lên khi nuốt, ho và kể cả khi nói chuyện. Một số người bệnh còn thấy đau tai và đau nhói khi nuốt.
Các triệu chứng kèm theo khi mắc viêm họng cấp là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi dịch nhầy, tiếng nói có thể khàn nhẹ, ho khan, 2 amidan viêm to, bề mặt amidan có chất nhầy trong, có khi xuất hiện bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt, một số có hạch cổ bị sưng.
Tình trạng viêm họng cấp do thời tiết chuyển mùa thường chỉ diễn ra trong vòng 3 – 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt và chăm sóc tốt thì bệnh sẽ tự lui dần, các triệu chứng sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, dễ tiến triển nặng hơn và có thể gây biến chứng như: viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm, trở thành viêm họng mạn tính, thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp… đặc biệt nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).
Do bệnh lý này phải được điều trị dựa trên nguyên nhân gây bệnh, tốt hơn hết bạn vẫn nên tới các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân trước khi tiến hành điều trị.
3. Viêm phế quản
Viêm phế quản cấp là một căn bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi vô cùng phổ biến. Nguyên nhân chính gây bệnh là nhiễm trùng đường hô hấp. Hầu như bất kỳ ai cũng đề bị một vài lần trong đời. Bệnh có thể tự khỏi sau 1-2 tuần và không để lại di chứng gì.
Tuy nhiên, với một số người bệnh viêm phế quản cấp dễ bị bội nhiễm khiến bệnh kéo dài, có thể dẫn đến tình trạng viêm phế quản mãn tính. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp…vì vậy người bệnh không nên chủ quan.
Triệu chứng thường gặp
– Ho khan, ho có đờm.
– Sốt: Sốt cao hoặc nhẹ hoặc là không sốt, sốt cơn hoặc liên tục.
– Viêm long hô hấp trên như: sổ mũi, nghẹt mũi.
– Tiết đờm: Đờm là dịch tiết của đường hô hấp, là sản phẩm của phản ứng viêm. Đờm có thể có màu xanh, vàng hay trắng. Do đó từ màu đờm không giúp ta phân biệt viêm nhiễm này là do vi khuẩn hay virus.
– Thở có tiếng khò khè.
– Đau họng: cổ họng ngứa rát, đau khi nuốt, sưng to hoặc nhỏ tùy vào tiến triển của bệnh.
– Mệt mỏi: Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, xanh xao, kém ăn …khiến hệ miễn dịch ngày càng suy giảm.
Nguyên nhân gây viêm phế quản
– Virus, Vi khuẩn.
– Sức đề kháng kém.
– Thời tiết thay đổi đột ngột.
– Khói thuốc lá, tiếp xúc với hóa chất.
4. Hen Suyễn/Phổi tắc nghẽn mãn tính
Hen là một bệnh đường hô hấp mạn tính, không chừa một lứa tuổi nào. Nhiều người lần đầu bị hen khi tuổi còn rất nhỏ, bệnh giảm dần khi trẻ lớn lên, nhưng có thể tái phát khi về già. Đôi khi người ta cũng có thể bị hen lần đầu tiên khi tuổi đã cao. Vì vậy, không có gì bảo đảm rằng khi bạn bị hen lúc còn trẻ thì bệnh sẽ không trở lại khi tuổi già.
Vấn đề trong điều trị Hen ở người cao tuổi
Khâu điều trị căn bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi này cũng hiệu quả như đối với người trẻ tuổi. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc điều trị gặp nhiều khó khăn phức tạp vì nhiều lý do:
– Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim… nên hằng ngày vẫn dùng đều đặn nhiều thứ thuốc, đôi khi sự tương tác giữa các thuốc làm giảm hiệu quả và gây ra tác dụng phụ.
– Người bệnh có thể quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc làm tái phát cơn hen mặc dù đã được kiểm soát.
– Người bệnh không nhận biết sớm các triệu chứng bệnh trở nặng, nên không thể xử trí kịp thời.
– Người cao tuổi khó bỏ được các thói quen như hút thuốc. Thường xuyên ăn những món ăn ưa thích có bao gồm yếu tố kích phát cơn hen.
– Cấu trúc và chức năng của đường hô hấp bị biến đổi và suy giảm do quá trình lão hóa. Đều này khiến sự thích ứng với thuốc cũng kém đi.
– Người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc sử dụng các thuốc dạng hít và thiết bị máy móc.
Trên đây là những bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi dễ gặp nhất trong mùa đông. Hy vọng đã phần nào giúp quý bạn đọc có cái nhìn rõ ràng hơn về các triệu chứng cũng như cách phòng tránh chúng. Việc bị động trong khoảng thời gian lập đông sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là với người cao tuổi.
Đọc thêm các bài viết về chủ đề đường hô hấp:
Viêm xoang – Đừng chủ quan nếu không muốn hối hận cả đời